Xuất khẩu hải sản 3,2 tỷ USD, không đạt mục tiêu dự kiến

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), năm 2019, xuất khẩu hải sản sẽ tăng 17% và đạt 3,5 tỷ USD, trong đó, sản phẩm cá ngừ với nhiều ưu thế được hy vọng sẽ giúp cho xuất khẩu hải sản tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, kết thúc năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hải sản chỉ đạt khoảng 3,2 tỷ USD, tăng 8% so với 2018, không đạt mục tiêu dự kiến, song đây vẫn là mức xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay...

Năm 2019, xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,6 tỷ USD, giảm 2,3% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu hải sản ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2018. Các mặt hàng hải sản xuất khẩu, gồm: cá ngừ; các loại cá biển khác; nhuyễn thể; cua ghẹ và giáp xác. 
Ba thị trường chính của cá ngừ
Cá ngừ đã góp phần lớn trong tăng trưởng của hải sản, với kim ngạch xuất khẩu đạt 728 triệu USD, tăng 12%, chiếm 8,5%/tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu cá các loại cá biển khác đạt 1,65 tỷ USD, tăng 15,8%, chiếm 19,4%. 
Trong đó đáng lưu ý, có 65-70% doanh số thu được từ cá ngừ và cá biển khác là từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể ước đạt 672 triệu USD, giảm 11,2%, chiếm 7,9%; cua ghẹ và giáp xác kim ngạch đạt 147,5 triệu USD, tăng 12,3%, chiếm 1,7%/tổng kim ngạch xuất khẩu.   
Năm 2019, Mỹ, EU và ASEAN là 3 thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam. Nếu như năm 2018, Mỹ, EU và ASEAN chỉ chiếm 67% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, thì trong năm 2019 con số này đã tăng lên 71%. Xuất khẩu cá ngừ sang cả 3 thị trường trên trong năm qua nhìn chung không ổn định. 
Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá ngừ số 1 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 46% trong năm 2019. Với mức tỷ trọng này, những thay đổi của thị trường Mỹ đã ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. So với năm ngoái, năm nay, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ có xu hướng tăng mạnh trong nửa đầu năm, và tăng chậm lại trong nửa cuối năm. Mặc dù vậy, nếu tính chung cả năm, thị phần cá ngừ Việt Nam tại thị trường Mỹ năm nay vẫn tăng so với năm ngoái.
Xuất khẩu cá ngừ năm 2019 sang ASEAN cũng không ổn định, tăng giảm thất thường, song tính chung cả năm, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khu vực ASEAN vẫn tăng so với cùng kỳ. 
 Xuất khẩu hải sản sang thị trường EU năm 2019 đã sụt giảm 11,5%, trong đó, cá ngừ giảm 11%, mực, bạch tuộc giảm 20%; đưa EU từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 5 về xuất khẩu hải sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Kết quả này đã phản ánh hệ lụy của thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam trong thời gian qua.
Nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU
Nếu như năm 2018, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, thì năm nay xuất khẩu sang thị trường này đều giảm so với cùng kỳ. Năm 2019, do giá cá ngừ trên thị trường thế giới thấp, cộng với những vướng mắc về thủ tục để đáp ứng các khuyến nghị của EU về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đã khiến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này năm nay không thuận lợi, hầu hết các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu sang EU đều giảm so với cùng kỳ. Hiện chỉ có cá ngừ sống tươi và đông lạnh là có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. 
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, xuất khẩu hải sản đã đóng góp một phần lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,6 tỷ USD, thì kim ngạch xuất khẩu hải sản là 3,2 tỷ USD, chiếm 37,2%/tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, năm nay, xuất khẩu hải sản không có nhiều đột biến, vì vậy, duy trì được tốc độ xuất khẩu như hiện nay là một nỗ lực và được thị trường đánh giá cao đối với sản phẩm hải sản Việt Nam, nhất là sau sự cố Formosa, thị trường đã và đang đi vào ổn định.
Tổng cục Thủy sản cho biết, kết quả kiểm tra lần 2 của Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhằm khắc phục "thẻ vàng", ngành thủy sản Việt Nam đã tạm thời trụ hạng. Sau khi đi kiểm tra, ngày 19/12, EC có công thư thông báo ý kiến đối với các nội dung đã kiểm tra tại Việt Nam. 
Theo đó, Đoàn thanh tra EC đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và cảm ơn sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU, triển khai các khuyến nghị của EC, và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý, đã tạo nên cơ sở pháp lý toàn diện chống khai thác IUU phù hợp với quy đinh của quốc tế bao gồm sửa Luật Thủy sản.
(Source: http://vneconomy.vn/)
 

Khách hàng tiêu biểu

Hotline
Quý khách có nhu cầu vui lòng liên hệ